Ông chú 65 tuổi hai lần rút bảo hiểm xã hội

16-04-2024 19:04

Ông chú 65 tuổi hai lần rút bảo hiểm xã hội

Ở tuổi 65, không lương hưu, chú tôi vẫn phải làm thợ xây để mưu sinh qua ngày, nuôi vợ và lo cho hai đứa con gái học đại học.

Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện. Ở lần sửa luật này, nhà làm chính sách đang tìm cách từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt quy định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đứng từ góc nhìn của những người rút BHXH một lần, tôi cho rằng có nhiều lý do, trong đó, chủ yếu là vì họ coi đó là khoản tiền tiết kiệm nên muốn rút ngay, sợ mất nên rút một lần cho ăn chắc. Cũng có người cần khoản tiền đó để làm vốn mưu sinh nên chọn rút... Nhưng nhìn chung, tất cả đều không có ý nghĩ rằng khi về già mình sẽ gánh nặng cho xã hội, vì ít nhất họ đã có con cái lo cho.

Suy nghĩ chung của những người rút BHXH một là "đến năm 80 tuổi mới được vài trăm ngàn đồng tiền lương hưu mỗi tháng, không biết có đủ chi tiêu hay không, mà mấy ai sống được đến tuổi đó để hưởng?". Cái chính là họ không nhìn thấy được con cái sau này chắc gì đã lo được cho cha mẹ. Trong khi người già từ 60 tuổi cũng đâu còn sức mà làm việc nặng nữa để tự kiếm tiền lo cho bản thân. Chưa kể, tới tuổi đó, bệnh tật ập xuống, họ lấy tiền ở đâu để mua nổi cái BHYT?

Tôi có ông chú họ đã hai lần rút BHXH. Bây giờ, ở tuổi 65, chú vẫn phải làm thợ xây để mưu sinh qua ngày, vừa nuôi vợ vừa lo cho hai đứa con gái học đại học. Bản thân bệnh tật đầy mình nhưng chú cũng không dám nghỉ một ngày nào. Chú nói với tôi rằng: "Trước kia, cứ nghĩ đơn giản là lấy một cục tiền cho chắc nên rút hết, giờ mới thấy có lương hưu khi già quan trọng đến thế nào?".

Chính vì thế, muốn hạn chế rút BHXH một lần, cơ quan quản lý vừa phải tăng cường truyên truyền, vừa phải có chế tài cụ thể mới mong đem lại hiệu quả. Bởi lúc rút BHXH, người ta đang còn sức lao động và thiếu hiểu biết, nên thường nghĩ đơn giản rằng "tiền đó là của tôi, sao lại không cho rút?". Về phía BHXH, cũng phải có chính sách làm sao để có lợi cho người lao động nhất, ví dụ như tính trượt giá đúng thực tế, cho họ vay tiền để với lãi suất ưu đãi để mưu sinh...

Nhìn sang các nước phát triển đi trước chúng ta cả thế kỷ, họ cũng luôn duy trì BHXH là kênh an sinh xã hội tốt nhất cho người dân, và tuổi hưu cũng được tính tăng lên cho phù hợp với tuổi thọ. Nước ta cũng không có cách nào khác, phải bất kịp xu thế chứ không thể đi ngược lại.

Chỉ cần khiến người lao động nhìn ra được những lợi ích của BHXH, họ sẽ không quay lưng với quỹ an sinh này. Mong rằng, lần sửa luật này sẽ cho ra được một chính sách hợp tình, hợp lý để người lao động an tâm thực hiện chứ không phải mang tâm lý bị ép buộc, không tâm phục khẩu phục.